Đang gửi...

KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

(Dấu ấn những người lính khảo sát thiết kế trên chặng đường phát triển của Tư vấn Trường Sơn)

Bút ký của Đại tá PHẠM NGỌC VŨ, nguyên phó Viện Trưởng Viện Khảo sát thiết kế - Binh đoàn 12 (Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn ngày nay)

Có lẽ đây là đoàn hành quân đi bộ nhiều và đông nhất do Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Đó là chuyến đi kiểm tra thực địa dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Nam Đông - Túy Loan do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức dẫn đầu, diễn ra vào dịp nghỉ lễ 1/5/2005.

Đoàn có đông đủ thành phần từ cơ quan Bộ đến tư vấn thiết kế và địa phương. Cơ quan Bộ có anh Nguyễn Ngọc Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư; anh Tống Trần Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ; anh Vũ Bảy, Phó Cục trưởng Cục Giám định và QLCT Giao thông; anh Nguyễn Hữu Long, Phó Tổng Giám đốc Ban Hồ Chí Minh cùng 2 chuyên viên trẻ Lý và Sáu; anh Khôi, thư ký của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đi cùng. Anh Xuân, Giám đốc sở Giao thông vận tải Thừa Thiên - Huế được anh Lý, Chủ tịch tỉnh cử đi tháp tùng Thứ trưởng Đức. Phía tư vấn thiết kế, có 2 tư vấn trực tiếp thực hiện dự án là Tư vấn Trường Sơn và Tư vấn 5. Tư vấn Trường Sơn là tổng thể nên cử thành viên đi khá đông: Anh Văn Thái Bình, Giám đốc; tôi là Chủ nhiệm tổng thể; chỉ huy các phòng có Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Nhữ Minh, Lê Công Lệ và một nữ có chuyên môn y tá là Lê Thị Liên. Tư vấn 5 có Phó Giám đốc Phạm Anh Hùng, người gắn bó với Tư vấn Trường Sơn trong dự án này từ những ngày đầu, cùng với hai khảo sát dẫn đường Kha và Nhã. Một số tư vấn thiết kế dự định sẽ tham gia bước sau cũng nhân cơ hội này nhập cuộc như Bình (Tư vấn 1), Nhân (Tư vấn 533), Dũng (Tư vấn 4). Anh Chi ở Liên danh xây dựng Thừa Thiên - Huế cũng tiếp cận tuyến để chuẩn bị kế hoạch thi công. Ngoài ra, Tư vấn Trường Sơn còn nhờ một cán bộ của trạm Kiểm lâm số 8 dẫn đoàn vào trạm Ba Bi và hai người gùi lương thực, nước uống. Cả đoàn 25 người (chưa kể hàng chục xe con đưa đón tiếp cận hai đầu tuyến) bắt đầu tiến vào cửa rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã, khí thế như đoàn quân ra trận. Lúc đó là 9 giờ ngày 2/5/2005.

Cửa rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã

Không phải bỗng dưng mà có chuyến đi này. Trước đó là cả một quá trình dài từ khi manh nha ý tưởng cho đến khi thành dự án; từ sự chuẩn bị công phu của Ban Hồ Chí Minh và Tư vấn Trường Sơn để có được đội hình hành quân này.

Trước hết, hãy ngược lại quá trình hình thành dự án. Viện Khảo sát thiết kế Binh đoàn Trường Sơn tiền thân là lực lượng khảo sát thiết kế mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm xưa. Là một đơn vị quân đội, quen thuộc với địa hình rừng núi, có lực lượng đông đảo, lại có bề dày truyền thống nên được Bộ GTVT tín nhiệm, giao tham gia một số dự án thuộc xa lộ Bắc - Nam (nay là Đường Hồ Chí Minh) như Dự án 3 Vĩnh Khê - Thạnh Mỹ và các tiểu dự án khác. Sau một thời gian cùng Tedi thực hiện các dự án lớn, Tư vấn Trường Sơn đã trưởng thành và nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị chủ lực, được Bộ GTVT giao làm Tư vấn tổng thể toàn bộ dự án 10 Khe Gát - Khe Sanh - Thạnh Mỹ dài hơn 500 km. Cũng từ đó xuất hiện tên gọi mà sau này đã trở nên quen thuộc trong làng tư vấn thiết kế, đã trở thành “thương hiệu” của một đơn vị quân đội: Tư vấn Trường Sơn!

Ngaỳ 26/ 6/1997, khi đang chỉ đạo khảo sát Dự án 3, tôi nhận được điện của anh Văn Thái Bình giao tổ chức ngay một tổ thị sát để tìm hướng tuyến không đi chung hầm Hải Vân (trên Quốc Lộ 1) theo chỉ đạo của Đặc phái viên Chính phủ Đồng Sĩ Nguyên và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam. Tôi nhanh chóng thành lập tổ thị sát gồm tôi, anh Phạm Văn Đăng và anh Phan Bá Liêm, đồng thời nghiên cứu các phương án tuyến vượt dải Hải Vân trên bản đồ. Phía Đông đã có QL 1A, giáp biên giới với Lào khi đó đang lập dự án nhánh Tây, đoạn Khe Sanh đi Thạnh Mỹ. Tôi nghiên cứu 3 phương án đi vào khoảng giữa và bắt đầu đi thị sát. Hai phương án phía Đông chúng tôi dùng xe ô tô cậu Khoái kết hợp cắt rừng để tiếp cận các điểm khống chế, đối chiếu trên bản đồ. Phương án thứ ba chếch về phía biên giới, tôi nhờ thêm người dân địa phương đi cùng, luồn rừng từ huyện Hiên vượt dải Hải Vân sang Nam Đông theo hướng tuyến đã vạch trên bản đồ. Ngày 20/7/1997 Tư vấn Trường Sơn báo cáo Bộ GTVT và bác Đồng Sĩ Nguyên kết quả thị các phương án tuyến không qua hầm Hải Vân với kiến nghị: Ý tưởng mở con đường nối huyện Hiên của Quảng Nam với Nam Đông của Thừa Thiên - Huế để tránh nút thắt hầm Hải Vân sẽ đáp ứng được yêu cầu về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, do địa hình quá khó, không nên xây dựng tuyến đường có quy mô như xa lộ Bắc - Nam qua đây, mà trước mắt chỉ nên mở lại hướng tuyến qua đèo Mũi Trâu để hỗ trợ cho hầm Hải Vân (đây là 1 trong 3 phương án chúng tôi thị sát).

Từ ý tưởng ban đầu mở tuyến mới không đi chung hầm Hải Vân để phục vụ mục đích an ninh quốc phòng của bác Đồng Sĩ Nguyên và đề xuất của Tư vấn Trường Sơn, dự án Cam Lộ - La Sơn - Nam Đông - Túy Loan dần dần được hình thành. Bộ giao Tư vấn Trường Sơn làm tổng thể. Dự án này cần sớm được thực hiện. Và chuyến đi lần này của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó.

Bản đồ hướng tuyến Cam Lộ - La Sơn - Nam Đông - Túy Loan

Để đáp ứng yêu cầu của chuyến đi, Ban Hồ Chí Minh và Tư vấn Trường Sơn đã có bước chuẩn bị khá chu đáo. Đang hy vọng được nghỉ 4 ngày liền dịp lễ 1/5 thì sáng 25/4 Tư vấn Trường Sơn nhận được thông báo chuẩn bị dẫn đoàn của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đi thực địa đoạn Nam Đông - Túy Loan. Ban Hồ Chí Minh muốn thông báo sớm để những ai thuộc thành phần đi còn kịp mà phanh lại nếu đã lên lịch cùng vợ con đi chơi đâu đó, nên đã Fax đi thông báo viết tay của anh Vũ Bảy dự kiến lịch đi thực địa trình Bộ trưởng, trong đó có 20 km đi bộ qua Bạch Mã.

Anh Bình giao tôi làm phó đoàn của Tư vấn Trường Sơn, chịu trách nhiệm dẫn đường và giới thiệu tuyến. Tôi là Chủ nhiệm tổng thể tuyến Cam Lộ - Nam Đông - Túy Loan ngay từ đầu (2002) và đã hai lần vào tuyến nên nắm khá chắc dự án này. Một lần vào năm 2002, tôi với Tuấn Anh cùng Phạm Anh Hùng Tư vấn 5 đi từ Túy Loan sang Khe Tre trước khi báo cáo dự án với Bộ trưởng, và một lần đưa anh Long Ban Hồ Chí Minh đi xem tuyến. Tôi biết cần phải chuẩn bị những gì, lịch trình nên đi ra sao. Thú thực, lúc đầu tôi nghĩ đoàn của lãnh đạo Bộ chắc cũng không cuốc bộ được nhiều nên tôi dự kiến hai phương án: Đi xe tiếp cận từ hai đầu rồi đi bộ lấn vào (như lần đi với đoàn anh Long), và đi bộ hết tuyến (như lần đi với Tư vấn 5).

Đang lập lịch trình và làm công tác chuẩn bị thì anh Long điện xuống truyền đạt ý kiến của anh Đức, là giao cho Tư vấn Trường Sơn lo mọi thủ tục để được đi qua Vườn Quốc gia Bạch Mã; đồng thời thông báo là anh Đức quyết tâm đi bộ hết tuyến. Thế là tôi chuyển phương án hai thành phương án chính để lo công tác chuẩn bị. Vì không còn nhiều thời gian, tôi điện nhờ Tư vấn Huế xin giấy giới thiệu của Vườn Quốc gia Bạch Mã để được đi qua khu vực cấm; đồng thời đề nghị anh Hùng Tư vấn 5 cử một tổ khảo sát đi trước phát tuyến từ đèo De Bay về trạm Ba Bi rồi nằm chờ ở đó để hôm sau dẫn đoàn đi ngược lại. Đoạn này địa hình không khó nhưng nhiều lau lách rậm rạp. Lần trước chúng tôi đã bị lạc vào cuối chiều ở đây. Biết không thể tới trạm Ba Bi trong ngày, đành quay về trạm Vina Pho 2 của một đơn vị trồng rừng ngủ lại. Trạm heo hút, quân bỏ đi chơi đâu, xoong nồi bát đĩa mốc meo. Đêm ấy mất ngủ vì nằm trên tổ kiến.

Chuẩn bị thế mà vẫn chưa yên tâm, sáng 30/4 anh Bình quyết định cho một xe đi trước thị sát nắm tình hình và chỉ đạo Tư vấn 5 thông tuyến. Xe Thư đi tiền trạm, có Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Nhữ Minh và Lê Công Lệ, chở theo mấy ba lô đồ bảo hộ lao động cho đoàn. Đến Huế thì Đoàn Nhữ Minh ở lại lo chỗ ngủ, còn lại đi thẳng vào tuyến. Sáng 1/5 xe tiền trạm qua Khe Tre, đến cầu km 5 (cửa rừng) thì tắc đường. Hồi chiến tranh, công binh Trường Sơn đã mở đường quân sự làm gấp từ Đường 14 trên A Lưới qua Nam Đông, đèo Mũi Trâu để tiếp cận chiến trường Đà Nẵng. Về sau chỉ xe lâm nghiệp qua lại, nhưng ít duy tu bảo dưỡng nên nhiều đoạn xe không đi được. Xe tiền trạm quay ra Quốc lộ 1A sang nam Hải Vân, ngược lên Túy Loan, Hòa Liên vào đèo Mũi Trâu. Từ chân đèo Mũi Trâu vượt qua bên kia được 13 km thi tắc đường. Đi bộ tiếp một đoạn thấy, nếu muốn xe qua phải có người dọn cây, xếp đá sửa ngầm. Thị sát xong, Tuấn Anh điện về báo cáo anh Bình.

Sáng 1/5 tôi đi xe Khoái vào Huế. Anh Bình có cuộc họp nên cuối chiều mới bay vào. Xe Tuấn Anh thị sát xong quay ra sân bay Phú Bài đón anh Bình. Theo kế hoạch, 18 giờ sẽ gặp đoàn anh Đức tại Huế, đoàn vừa đi kiểm tra đường Hồ Chí Minh về. Đến giờ, tôi cùng anh Bình và mấy anh em đem bản đồ sang phòng Lễ tân Khách sạn Duy Tân. Tấm bản đồ Hướng tuyến Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan tôi vừa cùng Phúc và Lực phòng Kỹ thuật hoàn chỉnh sáng qua, lên màu rất đẹp. Sau khi nghe tư vấn báo cáo về hướng tuyến và kế hoạch đi thị sát, trong đó dự kiến sẽ đi bộ 18 km. Anh Đức kết luận luôn: Hai đầu đi xe, 18 km đi bộ. Nhất trí! Lịch trình được thông qua. Mọi người quay sang chuẩn bị cho hành trình đi bộ. Tuấn Anh và Lê Công Lệ khoác hai ba lô đầy quần áo rằn ri, mũ mềm, khăn mặt, giày và ghệt chống vắt do Tư vấn Trường Sơn chuẩn bị, đưa lên cho anh Đức và anh em trong đoàn chọn cỡ, mặc thử. Sau bữa cơm chiều, mọi người đi nghỉ sớm để lấy sức cho ngày mai.

Sáng 2/5, đoàn bắt đầu đi thực địa. 6 giờ, khi tôi xuống nhà ăn đã thấy anh Đức cùng anh Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng mấy anh em đang ngồi uống cà phê, chờ ăn sáng. 7 giờ lên đường. Xe của các tư vấn tập kết trong thành phố từ đêm qua cũng lần lượt nhập đoàn. Tất cả có đến chục chiếc xe con rồng rắn tiến vào thị trấn Khe Tre. Anh Nguyễn Xuân Lý đi cùng, điện cả cho Chủ tịch và Bí thư huyện ủy Nam Đông ra đón và nhập đoàn cùng về cầu km 5 - điểm đầu của chặng hành quân bộ. Tại đây anh Đức đề nghị cả đoàn chụp ảnh. Tuấn Anh được anh Bình giao cho nhiệm vụ này. Anh Đức bảo: Đây là ảnh lưu niệm, phải giữ lại trong hình ảnh của ngành Giao thông vận tải để sau này, khi thông xe đoạn Nam Đông - Túy Loan mà nhớ lại!

Đoàn công tác kiểm tra thực địa dự án đường Hồ Chí Minh,

đoạn Nam Đông - Túy Loan do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức dẫn đầu

Chia tay anh Nguyễn Xuân Lý và các anh lãnh đạo huyện Nam Đông, chúng tôi chia nhau mang thức ăn, nước uống. Những gì cần thiết thì mang theo, còn lại gửi ô tô. Thuê 4 chiếc xe ôm cho đỡ 3 km đi bộ vào trạm Kiểm lâm số 8 - trạm cửa rừng Bạch Mã. Anh Đức và mấy anh có tuổi đi trước, còn lại đi bộ dần. Cô Liên mặc dù rất quyết tâm theo đoàn nhưng anh Bình (nghe lời khuyên của anh Đức) cũng “quyết tâm” để lại, theo xe vào Đà Nẵng, chiều đón đoàn ở phía đèo Mũi Trâu.

Giới thiệu tổng quát về địa hình, hướng tuyến, các điểm khống chế

Khoảng 9 giờ đoàn tập trung đầy đủ ở cửa rừng. Tôi mở bản đồ giới thiệu tổng quát về địa hình; hướng tuyến, các công trình cầu hầm; các phương án so sánh và trạm nghỉ ăn trưa. Đoạn ngoài dễ đi, cả đoàn bám nhau. Đến những điểm có thể nhìn bao quát, tôi dừng lại giới thiệu tuyến, hoặc trình bày các phương án so sánh cục bộ để đoàn tham gia và để anh Đức quyết tại thực địa. Chặng đầu còn khỏe, bước chân còn hăm hở. Chuyện tiếu lâm bắt đầu rôm rả. Đầu tiên, (hình như anh Tống Trần Tùng?) nêu thắc mắc: Tại sao lúc thì gọi Nam Đông, lúc lại gọi Khe Tre? Mỗi người một ý tranh nhau giải thích. Anh Long Ban Hồ Chí Minh không biết “ấp ủ” từ bao giờ mà khi được khơi đúng đề tài, hăng hái lên tiếng: Các anh cứ hình dung thế này: Nếu coi Nam Đông là cái thì Khe Tre là cái ti(!!!). Một câu trả lời không thể chính xác hơn. Hài hước mà dễ hiểu. Đây được coi là câu nói hay nhất trong ngày! Nam Đông là huyện, Khe Tre là thị trấn huyện lị. Quá chính xác! Được đà, anh Văn Thái Bình tiếp câu chuyện:…Cả nhà đang vui vẻ thì cô bé lên 3 nhanh nhẩu: Mẹ ơi! Con mách mẹ chuyện này. Hôm qua mẹ đi vắng bố ở nhà, cô hàng xóm sang chơi… giống hệt như hôm bố đi vắng, chú hàng xóm sang nhà mình chơi với mẹ ấy… Thôi thôi! Im ngay! Im ngay cái mồm! Con bé cụt hứng, không hiểu lý do gì bị mẹ mắng, oan ức khóc ầm lên.

Gần trưa, trời oi nóng. Những bước chân đã bắt đầu rệu rạo. Những câu chuyện tiếu cũng nhạt dần. Quá trưa mới đến trạm Kiểm lâm Ba Bi, đoàn nghỉ ăn trưa. Gọi là Ba Bi vì tại đây có cống thoát nước ghép bằng ba dãy ống (cống ba bi), làm từ thời chiến tranh. Giờ cống ba bi không còn nhưng vẫn để lại cho trạm kiểm lâm nơi đây một địa danh không có trên bản đồ. Hạ ba lô, cởi bỏ mọi vương vấn quanh người, ra suối giải cơn nóng bức. Xong xuôi, mọi người vào bữa trưa với lỉnh kỉnh những đồ ăn thức uống tha đi từ sáng. Không ra tiệc đứng, cũng không ra tiệc ngồi. Những chiếc bánh mỳ kẹp giò co quắt, trông như chiếc khăn vừa vắt chưa phơi được chuyền tay nhau. Tan tiệc, mỗi người đi tìm một chỗ ngả lưng. Anh Đức với anh Bình tìm đâu được manh chiếu rách, trải lên hiên đất gồ ghề, kê ba lô làm gối. Vừa cởi áo ngoài đặt lưng xuống thì Tuấn Anh chĩa camera vào: Đây là “nhà nghỉ” của hai sếp đây! Còn lại mỗi anh một tàu lá chuối trải la liệt trên hiên, dưới những bóng cây loáng thoáng quanh nhà, trông như lính thất trận. Cứ thế mà lim dim, mặc cho những tia nắng đang xoay quanh kẽ lá, lần dò chiếu thẳng lên đầu. Anh Vũ Bảy đàng hoàng hơn, anh bê chiếc bàn gỗ ra bóng cây, cắt hai tàu chuối ghép lại. Rồi có vẻ như theo thói quen “nghề nghiệp” anh ấn tay rung rung “thử tải” vài cái trước khi phanh áo ngực ngả lưng. Mấy ai có được giây phút sảng khoái này. Một giấc nghỉ trưa giữa Vườn Quốc gia Bạch Mã vào dịp lễ 1/5? Kém gì một chuyến đi du lịch sinh thái! Hôm qua vừa nghe anh Vũ Bảy kể là khi tớ lên xe, bà vợ cứ cằn nhằn: Được ngày nghỉ dài lại xách cặp ra đi! Những hình ảnh vừa quen thuộc vừa độc đáo này không biết có lưu giữ được cho ngành Giao thông như anh Đức mong muốn?

Tiếp tục hành quân. Hai cậu khảo sát của Tư vấn 5 biết bổn phận của mình, cầm dao đi trước. Anh Bình cũng kiếm đâu con dao cầm tay, vừa đi vừa phất những lá lau trước mặt. Từ đây ra đến chỗ xe đón còn khoảng 6 cây, cùng lắm 5 giờ chiều cũng đến nơi - tôi nhẩm tính. Đi được khoảng cây số thì gặp bãi lau lách bạt ngàn. Đây là đoạn đường mà lần trước chúng tôi đã bị lạc ngay từ đầu bên kia, và hôm qua đã nhờ Tư vấn 5 cho quân đi phát lại. Mất hút hướng tuyến, không thấy quân khảo sát đâu, cả đoàn chôn chân đứng chờ. Tôi và Hùng - cả hai chịu tránh nhiệm dẫn đoàn - vượt lên. Cậy có bộ bảo hộ kín người, tôi dùng gậy rẽ cây, luồn lách cùng đi tìm dấu vết của tuyến phát. Hai lính khảo sát dẫn đường khi phát hiện mất hướng cũng đang hoảng hốt đi lùng sục, gọi nhau í ới. Đoàn quân chờ mãi dưới cái nắng ngột ngạt của rừng lau đã bắt đầu mất kiên nhẫn: Ông Vũ ơi!…, rồi ông Hùng ơi! Đi lối nào đây? Tuấn Anh, Đoàn Nhữ Minh, Lê Công Lệ và anh em tư vấn cũng tỏa đi tìm. Cả đoàn như lạc vào mê cung. Vẫn biết là quân mình quanh đây cả nhưng cứ thấp thoáng một bóng “rằn ri” luồn lách, bất chợt nghĩ đến biệt kích với thám báo lại dật mình! Mãi không tìm ra tuyến phát, tôi bàn với Hùng và báo cáo anh Đức, anh Bình là bỏ qua đoạn này, quay lại đi dọc suối để lên chân đèo De Bay, có thể khó đi nhưng không thể lạc được. Anh Đức đồng ý. Thế là cả đoàn rẽ phải luồn rừng hướng ra phía suối. (Sau này tôi hỏi thì Phạm Anh Hùng nói lỗi là do quân khảo sát bọn em. Hôm phát tuyến đi từ phía De Bay sang nhưng hôm về đi ngược lại, đã đánh dấu nhưng không có vật chuẩn, rậm quá không tìm ra!).

Trước mặt trạm Kiểm lâm Ba Bi là con suối khá rộng, bắt nguồn từ dãy Bạch Mã. Đây là khúc thượng nguồn của sông Tả Trạch, chạy qua thị trấn Khe Tre trước khi đổ vào sông Hương. Khúc thượng nguồn này cắt qua chân đèo De Bay - đầu bên kia của đoạn đường vừa bị lạc. Đây cũng là ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Đoàn sẽ phải đến đây bằng chặng hành quân không nằm trong kế hoạch.

Con suối thượng nguồn sông Tả Trạch

Cứ bám dọc bờ trái mà đi nên không lo mất hướng. Sông suối miền núi địa hình đa dạng, cây cối rậm rạp nên lội là chính chứ không mấy đoạn được đi trên khô. Mới đầu là những đoạn suối cạn, lội còn xắn quần, sau thì buông xuôi hết. Lòng suối ngổn ngang đá tảng lăn với đá đầu sư. Ba lô sau lưng, tay cầm gậy lò dò từng bước mà người cứ chới với ngả nghiêng. Gặp những đoạn nước sâu phải cho khảo sát đi trước dò luồng. Những gì không được ướt, đội hết lên đầu. Anh Đức quả là sáng suốt khi gợi ý anh Bình không để y tá Liên đi theo. Cả đội hình bì bõm dưới nước, trông như cảnh trong phim thời chiến. Một đội hình hành quân không có đội hình! Ai khỏe cứ lội; ai vui cứ thoải mái cười; ai mệt cứ việc ngồi tại chỗ, “ghế đá” chỗ nào cũng sẵn. Không khó để nhận ra anh Bình trong đó nhờ chiếc khăn màu hồng vắt cổ. Đi hết đoạn suối chính, cả đoàn ngồi nghỉ. Mỗi người độc chiếm một mom đá. Dòng nước mát lạnh từ đầu nguồn Bạch Mã cứ luồn lách, róc rách dưới chân. Chừng nửa cây số nữa là đến chân đèo Dê Bay, kết thúc đoạn lội suối mà đoàn quân cứ rải rác. Tuấn Anh vượt lên: Đây là thước phim cuối cùng của đoàn “thủy chiến”, các sếp tươi lên nào! Chú Bảy cười to lên nào! Đến chân đèo, tôi vượt sang bên kia suối ngồi nghỉ. Đây đã thuộc đất Đà Nẵng. Anh Đức với mọi người ngồi lại bờ bên kia chờ thu quân. Nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ chiều. Giờ này rẽ ra đã phải lên xe. Tôi dục khẩn trương không trời sắp tối mà mãi mới thấy anh Đức chống gậy đứng lên. Đèo Dê Bay không dốc lắm, lại rõ vệt đường nên cũng dễ đi. Lê Công Lệ vượt lên đi cạnh tôi, nói nhỏ: Lúc nãy anh dục đi nhưng cụ Đức bảo có dậy được đâu mà đi! Cụ còn hỏi khi nào “ông” Vũ nghỉ hưu để tớ mời vào tổ chuyên gia làm cho Ban Hồ Chí Minh! Tôi biết thế, không dục gì thêm. (Hôm qua, 1/5 là hết 1 năm tôi nghỉ chờ hưu. Thời gian này tôi đang làm chuyên gia cho Tư vấn Trường Sơn). Đi khoảng nửa tiếng thì loáng thoáng có bóng người từ xa. Đến nơi hóa ra là quân lái xe nhà mình, mãi không thấy đoàn ra nên lò dò vào. Biết còn cách nơi xe đỗ gần cây số, mọi người phấn chấn hẳn lên. Đi thêm một đoạn gặp xe anh Dượng, Tư vấn Đà Nẵng và 6 chiếc xe ôm đang chờ sẵn. Tư vấn Đà Nẵng không tham gia dự án này nhưng cũng muốn lên đón đoàn nên cùng chờ phía ngoài. Sốt ruột quá, cậu Xuân nhờ xe 2 cầu của anh Dượng và thuê xe ôm lấn thêm đoạn đường khó. Và khi thấy xe anh Dượng vào được mấy xe sau (sợ quá) cũng liều bám theo nhưng chỉ được đến ngầm. Đoạn đường này chỉ có xe gầm cao của dân thu gom sắt vụn mới dám đi. Cả đoàn được xe anh Dượng và đoàn xe ôm trung chuyển ra nơi tập kết, dàn lại đội hình chạy thẳng Đà Nẵng. Đêm ấy liên hoan chia tay. Kết thúc một chuyến đi đầy kỷ niệm.

Sau chuyến đi thực địa của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, Bộ GTVT và Ban Hồ Chí Minh đã có sự chỉ đạo chặt chẽ, khẩn trương và đột phá hơn: Nâng quy mô đường từ cấp thấp (với mục đích hỗ trợ hầm Hải Vân) lên quy mô cao tốc (cho phù hợp với hệ thống đường Hồ Chí Minh); đồng thời tách dự án Cam Lộ - La Sơn - Nam Đông - Túy Loan thành 2 dự án riêng biệt là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan. Tư vấn Trường Sơn với vai trò tổng thể đã hoàn thiện hồ sơ dự án giai đoạn1 đoạn La Sơn - Túy Loan để Bộ duyệt cho triển khai thi công trước. Dự án khởi công 22/12/2014. (Đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98, 35 km cũng do Tư vấn Trường sơn làm tổng thể, vừa khởi công 16/9/2019).

Sau này, trong quá trình thi công tôi có 2 lần được đi dọc tuyến. Lần thứ nhất vào ngày 3/8/2017, do Ban Hồ Chí Minh tổ chức, mời một số thành viên đã từng tham gia với đoàn của anh Đức đi duyệt tuyến năm 2005. Lần đi này có anh Ngô Thịnh Đức, anh Vũ Bảy, anh Nguyễn Hữu Long và một số anh em tư vấn. Tư vấn Trường Sơn có anh Văn Thái Bình, tôi và Đoàn Nhữ Minh. Đoàn đi từ Túy Loan qua Khe Tre về La Sơn. Thời điểm này đang thi công, nền thông nhưng rất khó đi. Lần thứ hai vào ngày 11/6/2019, do Ban Quản lý Dự án Trường Sơn Đông tổ chức cho số anh em đã nghỉ hưu đi thăm tuyến Trường Sơn Đông nhân dịp kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Ban (10/6). Đoàn hành quân bằng đường bộ. Đến La Sơn tôi dẫn đoàn đi theo tuyến cao tốc qua Khe Tre, hầm Mũi Trâu về Túy Loan. Tuyến đường dài 77,4 km lúc này đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính. Mặt bê tông nhựa phẳng lỳ, hệ thống cầu hiện đại và hai ống hầm Mũi Trâu cho giai đoạn hoàn chỉnh, dài 1.230 mét và 1300 mét.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan như dải lụa mềm vắt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ

Ngồi trên xe, hình ảnh những ngày đầu cứ hiện dần lên. Đoạn đường nào năm xưa từng bị lạc, con suối nào nghỉ chân ngồi gạt vắt? Giờ đã xe chạy băng băng. Từ ý tưởng mở một tuyến đường để giãn nút thắt, hỗ trở hầm Hải Vân của bác Đồng Sĩ Nguyên, giờ đã thành con đường cao tốc trong hệ thống đường Hồ Chí Minh. Nhớ lại lần đầu Tư vấn Trường Sơn báo cáo dự án với Bộ trưởng Bộ GTVT, hôm đó bác Đồng Sĩ Nguyên tới dự. Khi tôi trình bày là hướng tuyến đoạn qua đèo De Bay được tư vấn lựa chọn cơ bản đi theo hướng đường mòn có từ thời Pháp, bác Đồng Sĩ Nguyên đứng dậy khẳng định luôn: Ông Vũ ơi! Đấy là phu mình làm cả đấy! Tôi không bao giờ quên được câu bác nói. Bác Nguyên là người rất quan tâm đến dự án Đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là đoạn A Đớt - A Tép, bởi trong hơn 500 km nhánh Tây (Dự án 10: Khe Gát - Khe sanh - Thạnh Mỹ) thì đây là đoạn khó khăn nhất. Nơi đây hội tụ đầy đủ tính khắc nghiệt của thời tiết và hiểm trở của địa hình Đông - Tây Trường Sơn, của Nam - Bắc Hải Vân. Và một lần nữa, Tư vấn Trường Sơn được Bộ TGVT giao thực hiện. Khi biết tin Tư vấn Trường Sơn đã xác định được phương án hầm A Roàng trên đoạn A Đớt - A Tép, ngày 20/8/1999, bác Đồng Sỹ Nguyên cho gọi anh Văn Thái Bình và tôi đến nhà riêng để nghe chi tiết. Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, Thứ trưởng Phạm Quang Tuyến và anh Hà Đình Cẩn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - rất phấn khởi. (Sau này, anh Phạm Quang Tuyến vẫn thường nhắc lại: Cái đúng đắn nhất của Bộ GTVT là đã giao cho Tư vấn Trường Sơn đoạn A Đớt - A Tép. Đây là đoạn quyết định thành bại của tuyến phía Tây. Chỉ có quân đội mới đủ dũng cảm, quyết tâm và chịu được gian khổ!)

Hai ống hầm Mũi Trâu cho giai đoạn hoàn chỉnh, dài 1.230 mét và 1300 mét

Có một điều mà tôi vẫn thắc mắc, là cánh tuyến sau khi ra khỏi hầm Mũi Trâu: Quá trình lập dự án và cập nhật, một số đoạn có điều chỉnh bình đồ cho phù hợp thực địa, nhưng riêng cánh tuyến qua hầm Mũi Trâu tôi vẫn kẻ đi thẳng, vượt sông Nam bằng cầu rồi men theo sườn bên kia đến cầu Sập mới bắt vào đường cũ. Tuyến và cầu đều đẹp, ít phải kiên cố hóa do đào sâu mà vẫn tránh được khu quân sự ở Hòa Bắc (ngày đó tôi đã đi làm việc). Còn tuyến thi công thì ra khỏi hầm là rẽ trái theo đường cũ về cầu Sập. Theo hướng này tiềm ẩn nguy cơ sụt lở rất lớn do phải kiên cố hóa khá quy mô đoạn ra khỏi cửa hầm? Điều chỉnh này không rõ từ khi nào nhưng chắc phải có lý do, bởi sau này tôi không còn theo dõi.

Cho dù thế nào thì đây cũng là một con đường đẹp. Hy vọng sẽ được gặp lại nhau đông đủ một lần nữa vào ngày thông xe tuyến cao tốc này.

Đà Nẵng, đêm 2/5/2005

Hà Nội, tháng 4/ 2020

Dưới đây là đoạn phim ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến đi. Người quay là Đại tá Nguyên Tuấn Anh - Phó tư lệnh Binh đoàn 12, nguyên là Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn và KSTKXD.