Đang gửi...

Đảm bảo bàn giao đúng tiến độ mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

 

Sáng 10/11, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ về tiến độ chuẩn bị khởi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đoàn công tác khảo sát tại nút giao IC5.

 

 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá, các công việc được thực hiện cơ bản bám sát kế hoạch được phê duyệt theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1:2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có 3/5 địa phương gồm: Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu vượt kế hoạch, còn lại thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau đang chậm tiến độ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị, thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng địa phương để đến 20/11 cơ bản bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng cho dự án. Các tỉnh, thành phố quan tâm giải quyết các thủ tục, sớm khởi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, chỉ đạo các sở, ngành thông báo chỉ số giá xây dựng xây dựng sớm để ban quản lý dự án cập nhật vào dự toán sát với giá thị trường; các tỉnh cần có đề xuất, kiến nghị liên quan đến nguồn cát phục vụ dự án. Ban quản lý dự án kết hợp địa phương sớm triển khai bàn giao cọc giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ, cắm mốc lộ giới để quản lý.

Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện tại, thủ tục triển khai phê duyệt phương án bồi thường của thành phố Cấn Thơ và tỉnh Cà Mau còn chậm so với kế hoạch, tiến độ chi trả của thành phố Cần Thơ còn chậm; công tác triển khai thẩm định, phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư các tỉnh đang chậm so với tiến độ bàn giao mặt bằng theo yêu cầu; việc di dời hạ tầng kỹ thuật điện cao thế phức tạp đến nay mất nhiều thời gian, không kịp tiến độ phê duyệt phương án trước khi khởi công.

Do đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị, các địa phương tập trung triển khai chi đợt 1 và sớm phê duyệt đợt 2 trong tháng 11/2022 nhằm đảm bảo tiến độ giao mặt bằng tối thiểu 70% trước 20/11/2022; phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật trước 31/12 để thi công cùng đồng bộ với hạng mục xây dựng. Đối với đường điện cao thế sớm làm việc với các đơn vị chủ quản sớm thống nhất phương án và xác định đơn vị di dời. Các chủ đầu tư triển khai phê duyệt dự án và sớm xây dựng bàn giao suất tái định cư cho người dân, hạn chế tối đa thời gian tạm cư.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Đối với gói thầu khởi công, đã có thông báo thẩm định và hiện đang thẩm định phê duyệt, các gói thầu còn lại phê duyệt trong tháng 11/2022.

Về phê duyệt phương án bồi thường, thực hiện chi trả, Dự án Cần Thơ – Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 đạt 25,08/37,65 km tuyến chính và 1,23/9,252 km tuyến nối với 1.011 hộ/1.832 hộ; Dự án Hậu Giang – Cà Mau đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 được 51/72,22 km tuyến chính với 1.177 hộ/2.027 hộ. Các địa phương đang lập phương án bồi thường đợt 2 để phê duyệt trong tháng 11/2022.

Các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu dự kiến sẽ đạt tiến độ bàn giao 70% mặt bằng cho dự án; tỉnh Cà Mau dự kiến đạt tiến độ nếu phê duyệt phương án bồi thường trước 15/11/2022, thành phố Cần Thơ không đạt tiến độ.

Dự kiến có khoảng 970 hộ tái định cư tập trung, bố trí tại 8 khu. Trong đó, 5 khu xây mới (Hậu Giang 4 khu, Kiên Giang 1 khu) và 3 khu đã có sẵn (Cần Thơ 1 khu, Bạc Liêu 1 khu, Cà Mau 1 khu).

Đối với 5 khu tái định cư xây dựng mới, các địa phương đã bổ sung quy hoạch và hiện đang triển khai các thủ tục lập dự án đầu tư.

Đối với công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn lập xong phương án sơ bộ, đang lấy ý kiến thỏa thuận với các đơn vị liên quan, dự kiến phê duyệt trong tháng 11/2022.

Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho công tác giải phóng mặt bằng của 2 dự án là 1.832 tỷ đồng (Dự án Cần Thơ – Hậu Giang 951 tỷ đồng, Dự án Hậu Giang – Cà Mau 881 tỷ đồng).

Đến nay, Dự án Cần Thơ – Hậu Giang đã chấp thuận phương án 851 tỷ đồng, đã giải ngân 555 tỷ đồng; Dự án Hậu Giang – Cà Mau đã chấp thuận phương án 591,4 tỷ đồng, đã giải ngân được 469,2 tỷ đồng.

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/dam-bao-ban-giao-dung-tien-do-mat-bang-cho-du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-20221110145420205.htm